Công ty Cổ phần Đầu tư MTT Việt Nam và hành trình nuôi cá ở Uzbekistan
Tiền thân là HTX Thủy sản Nam Sơn- Công ty CP Đầu tư MTT Việt Nam hiện nay có trụ sở tại thôn Sơn Nam-xã Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh) với chức năng, nhiệm vụ nuôi trồng và cung ứng các loại cá giống, cá thương phẩm, cá bố mẹ.
Với phương châm “Lấy chất lượng là tiêu chí hàng đầu”, sau 10 năm hoạt động, công ty đã trở thành cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản có uy tín, được người nuôi trồng thủy sản trong, ngoài tỉnh tin tưởng, là địa chỉ cung ứng giống thủy sản hàng đầu của tỉnh. Năm 2017 công ty tiếp tục có bước đột phá trở thành doanh nghiệp tiên phong của Bắc Ninh đưa công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và cá thương phẩm ra nước ngoài, mở một hướng đi mới cho nghề nuôi cá ở Bắc Ninh nói riêng, cả nước nói chung.
Công ty CP MTT Việt Nam đang nuôi khoảng 10 nghìn cá bố mẹ.
Dù đã có hẹn trước, nhưng khi gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư MTT Việt Nam đang khá bận rộn. Cuộc nói chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng chuông điện thoại. Sau một cuộc đàm thoại, nét mặt như giãn ra, ông phấn khởi thông báo: Chuyến hàng thứ hai gồm 3,5 tấn cá chép hậu bị và sinh sản đã được chuyển lên máy bay sang tỉnh Jizzax của Uzbekistan- một đất nước nằm trong khu vực Trung Á. Trước đó, vào cuối tháng 5 vừa qua doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công lô hàng 300 nghìn con giống cá chép lai để tiến hành nuôi thả và nhân giống tại đất nước bạn. Để việc xuất khẩu được thuận lợi, doanh nghiệp phải tiến hành chụp các mẫu cá giống, cá bố mẹ để hoàn tất các thủ tục kiểm dịch, hải quan ở trong nước cũng như phía nước bạn.
Bằng chất giọng trầm, ấm ông Thân bảo mình như có duyên với nghề nuôi cá. Với gần 20 năm kinh nghiệm gắn bó với nghề sản xuất cá giống, ông đóng góp khá nhiều công sức cho phong trào phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh đồng thời tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý. Nuôi ở trong nước, nắm rõ thổ nhưỡng ông đã gặt hái nhiều thành công từ ương cá giống, nuôi cá thịt, cá bố mẹ. Ngay cả chuyện làm thế nào để cá đẻ đúng kỳ, thụ tinh đúng thời điểm bắt buộc người chăn nuôi phải hết sức tinh tường và dày kinh nghiệm. Rồi câu chuyện làm thế nào ông đem được con cá Việt Nam sang tận Uzbekistan cũng như một cơ duyên. Năm trước, sau khi đoàn công tác của chính phủ Uzbekistan sang Việt Nam tìm hiểu và học kinh nghiệm kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, ông được Hội nghề cá Việt Nam chọn là một trong các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản đại diện của Việt Nam sang Uzbekistan tìm kiếm cơ hội đầu tư. Theo ông Thân, bên Uzbekistan có rất nhiều hồ nước ngọt diện tích rộng, khí hậu không quá nóng, quá lạnh hết sức phù hợp cho cá sinh trưởng; nguồn cá ở đây chủ yếu vẫn được khai thác tự nhiên không đủ cung cấp cho thị trường nên phải là những người có thu nhập khá cao mới đủ khả năng để mua. Vì vậy, Chính phủ Uzbekistan luôn mong muốn phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nâng cao sản lượng cá phục vụ nhu cầu của người dân. Ngay sau chuyến đi về từ nước bạn, ông Thân đã mạnh dạn ký một hợp đồng với doanh nghiệp Uzbekistan chuyển lô cá giống đầu tiên. Nhiều cảm xúc dồn nén, tâm trạng hồi hộp lẫn lo âu bởi trước đó Viện nghiên cứu Thủy sản T.U đã từng chuyển một chuyến cá nuôi lấy thịt sang Uzbekistan nhưng hầu hết cá bị chết. Bằng kiến thức và kinh nghiệm, ông Thân tìm ra bí quyết là phải làm cho cá gần như ở trạng thái ngủ trong suốt hành trình từ khi cho vào thùng xốp, chờ làm các thủ tục ở sân bay bên nước ta và nước bạn (khoảng 8 giờ); quá trình bay khoảng 15 giờ; chuyển từ sân bay nước bạn về nơi nuôi thả (3 giờ). Trong quá trình vận chuyển 25-26 giờ đồng hồ cần phải tính toán lượng ôxy vừa đủ và nhiệt độ phù hợp để cá khi được thả ra bảo đảm phục hồi nhanh.
Nguồn cá thương phẩm đang được chăm sóc trong các bể.
Chuyến hàng đầu tiên, khó khăn lớn nhất đã được giải quyết khi cá đưa sang Uzbekistan đạt tỷ lệ sống tới 98% và rất phù hợp với khí hậu, môi trường sống tại nước bạn nên sinh trưởng phát triển tốt, cá lớn nhanh và không có dịch bệnh. Đây là sự khởi đầu quan trọng để ông Thân trở lại Uzbekistan với những dự tính và khát vọng mở hướng cho con cá nước ngọt Việt Nam xuất ngoại, nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Được sự giúp đỡ của Chính phủ Uzbekistan trong tháng 7 vừa qua, Công ty CP Đầu tư MTT Việt Nam đã hoàn tất mọi thủ tục thuê 124,5 ha tại tỉnh Jizzax của Uzbekistan với thời hạn 49 năm và thành lập chi nhánh mang tên Công ty Thủy sản MTT đầu tư tại nước bạn. Với những bước khởi đầu khá thuận lợi, ông Thân khẩn trương chỉ đạo thuê nhân công đào đắp đến đâu chuyển ngay cá giống sang nuôi thả. Hiện nay công ty đã đào đắp được hơn 20 ha hồ, đến cuối năm hoàn thành 50 ha và đến khoảng tháng 10-2018 toàn bộ trang trại nuôi thả, nhân giống cá tại tỉnh Jizzax sẽ đi vào hoạt động, dự kiến đưa ra thị trường Uzbekistan khoảng 600 tấn cá thương phẩm. Đồng thời Công ty CP Đầu tư MTT Việt Nam cũng cam kết với tỉnh Jizzax sẽ tổ chức tập huấn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nuôi cá cho người dân địa phương.
Tiếp tục đà phát triển về nuôi cá giống và cá thương phẩm, Công ty CP MTT Việt Nam có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất thức ăn cho cá ngay tại nước bạn vì quốc gia này có nguồn lúa mạch khá dồi dào và phong phú sẽ đáp ứng được phần lớn nguyên liệu khi nhà máy hoạt động.
Hiện ở trong nước, Công ty CP Đầu tư MTT Việt Nam đang duy trì và phát triển 3 trại chuyên sản xuất cá giống với diện tích hơn 10 ha, giải quyết việc làm thường xuyên cho 30-50 lao động. Với việc đầu tư cơ sở vật chất, tạo môi trường tốt nhất cho cá bố mẹ, cá sinh sản cùng với đội ngũ kỹ thuật có trình độ nên chất lượng cá giống luôn giữ được uy tín với khách hàng. Hiện các trại của công ty đang nuôi giữ đàn cá bố mẹ với tổng đàn khoảng 10 nghìn con, cung cấp cho thị trường từ 20-40 triệu con giống các loại mỗi năm. |
Chủ trương xúc tiến đầu tư lĩnh vực chăn nuôi thủy sản và chuyển giao công nghệ và nuôi trồng thủy sản tại Uzbekistan của Công ty CP Đầu tư MTT Việt Nam được Bộ NN&PTNT cho phép nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác, ngoại giao 2 nước, qua đó hỗ trợ nước bạn phát triển nghề cá đáp ứng với nhu cầu thị trường tiêu dùng. Đồng thời khẳng định sự mạnh dạn và bản lĩnh của doanh nhân Bắc Ninh mở một hướng đi mới cho hành trình đưa cá nước ngọt xuất ngoại trong chuỗi hàng hóa nông sản Việt Nam.
Nguồn: Hoàng Mai